Liệu bạn có biết, voi là một loài động vật có trí thông minh được so sánh với các loài linh trưởng và bộ cá voi? Những kẻ săn mồi như sư tử, hổ, linh cẩu,.. lại chỉ rình những con voi non. Voi đực to lớn, khỏe mạnh, hung hãn với kẻ thù; nhưng chúng lại không thể chống lại những nhóm tội phạm dùng súng hay lưỡi cưa máy để lấy ngà ngay cả khi chúng còn sống. Và chúng có thể bị tuyệt chủng ngay trong thời đại của chúng ta.
VOI
1. Giới thiệu
Voi là động vật có vú thuộc họ Elephantidae và là động vật trên cạn lớn nhất hiện nay. Ba loài hiện được công nhận: Voi đồng cỏ châu Phi (Loxodonta africana), voi rừng châu Phi (Loxodonta cyclotis) và voi châu Á (Elephas maximus). Voi châu Phi có tai lớn và lưng lõm còn voi châu Á có tai nhỏ và lưng lồi hoặc ngang.
Đặc điểm nổi bật của tất cả các loài voi bao gồm cái vòi dài, cặp ngà lớn, vạt tai lớn, bốn chân to và làn da dày nhưng nhạy cảm. Vòi voi được sử dụng để thở, đưa thức ăn nước uống vào miệng và cầm nắm đồ vật. Đôi ngà, tiến hóa từ răng cửa, được voi dùng để tự vệ, di chuyển chướng ngại vật và đào hố. Đôi tai lớn giúp voi duy trì thân nhiệt ổn định và giao tiếp. Chân chúng to như cây cột để đỡ tải trọng lớn.
2. Thực trạng
Vào cuối thế kỷ 20, ước tính có khoảng vài triệu cá thể voi ở châu Phi và có khoảng 100.000 cá thể ở châu Á. Nhưng ngày nay, số lượng này đã bị giảm xuống đáng kể, chỉ còn 350.000 - 500.000 cá thể ở châu Phi và 35.000 - 50.000 cá thể ở châu Á (theo WCS). Nguyên nhân chủ yếu do nạn săn bắt trái phép phục vụ cho việc buôn bán ngà voi.
Phân loài voi sinh sống tại Việt Nam là voi Châu Á, được xếp vào bậc Nguy cấp trong danh mục sách Đỏ của IUCN, bậc Cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ Việt Nam và nằm trong Phụ lục I của Công ước CITES. Tại Việt Nam đã mất trên 90% quần thể voi hoang dã, giờ chỉ còn khoảng dưới 100 cá thể. Điều đáng nói, mỗi năm, có khoảng 100 kiểm lâm viên hy sinh trong khi bảo vệ rừng, bảo vệ voi.
Năm 1997, cả tỉnh Đăk Lăk còn 115 voi nhà, voi rừng lại càng ít hơn, chỉ trên dưới 30 con. Vùng rừng núi lớn Chư Yang Sin hầu như không còn thấy dấu vết hiện diện của voi rừng nữa. Đến năm 2000, voi nhà giảm xuống còn 84 con và năm 2004, chỉ còn 62.
Đặc biệt, sự lây truyền bệnh từ động vật hoang dã sang người trong đó có Covid-19 là mối lo ngại cần quan tâm nhất lúc này, thúc giục Chính phủ phải mạnh tay chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép.
3. Giải pháp
Luật pháp quy định voi là loài được bảo vệ nghiêm ngặt. Mọi hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tác, quảng cáo các sản phẩm từ voi, đặc biệt là ngà voi đều vi phạm pháp luật. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), các vi phạm trên có thể bị xử tù đến 15 năm và phạt tiền đến 15 tỷ đồng.
Nhiều biện pháp bảo vệ và bảo tồn voi nghiêm ngặt được đưa ra từ đầu năm 1992, trong đó có Chỉ thị cấp bách của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm, Chương trình hành động bảo tồn voi do Tổ chức quốc tế FFI và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai, Hội thảo bảo tồn voi châu Á tại Đông Dương, tạo sinh cảnh sống cho voi rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn, ban hành nhiều văn bản cấm săn voi.
Quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho người dân biết và hiểu về những tác hại của việc săn bắt voi trái phép; để mỗi người có được nhận thức đầy đủ và hành động vì môi trường sống của chính chúng ta.