Cheo Cheo Nam Dương- Kết quả của mối tình giữa hươu và chuột?
Không biết các bạn đã từng nghe qua câu “Nhát như cheo” chưa? Tớ đã được nghe câu đó bởi một bác nông dân trên miền núi Tây Bắc. Bình thường ở dưới miền xuôi thì hay được ví von rằng “Nhát như cáy” hoặc “Nhát như thỏ đế”. Lúc đó mình cũng thắc mắc cheo là gì với chú và cũng tò mò tự tìm hiểu trên mạng. Và tớ đã khá bất ngờ bởi thứ được gọi là “cheo”.
CHEO CHEO NAM DƯƠNG
1. Giới thiệu
Ở Việt Nam chúng ta đã xuất hiện 2 loài cheo cheo là cheo cheo Nam Dương và cheo cheo lưng bạc. Trong đó, cheo cheo Nam Dương (Tragulus kanchil) rất phổ biến, chúng có ở cả Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ. Ở Việt Nam, cheo cheo Nam Dương sẽ phân bố ở các vùng núi của tỉnh Lạng Sơn đến Tây Ninh. Chúng phổ biến nhưng không có nghĩa là không quý hiếm mà ngược lại, ở các tỉnh phía Bắc chúng gần như bị tuyệt chủng. Trong những năm qua, số lượng cheo cheo Nam Dương ở Việt Nam giảm sút đáng kể do diện tích rừng ngày càng thu hẹp.
Cheo cheo Nam Dương có ngoại hình giống hươu nhưng kích cỡ lại chỉ bằng một chú chuột. Chúng có kích cỡ rất nhỏ trong nhóm móng guốc (nhóm này có Sao la tiêu biểu). Cheo được xem là loài động vật guốc chẵn nhỏ nhất thế giới , với ngoại hình giống hoẵng, chỉ nặng 1,3- 2,3 kg và chiều dài chỉ đạt 30- 50cm. Phần đầu của chúng nhỏ khá giống chuột còn phần thân lại giống hươu có bộ lông nâu đỏ mịn mượt. Vậy nên tên tiếng anh của nó là Mousedeer (Hươu chuột).
2. Thực trạng
Cheo cheo là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Chúng thuộc cấp đánh giá V và thuộc Nhóm IIB theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Loài này có đặc tính hiền lành nhút nhát và dễ bị các động vật khác làm tổn thương, tấn công. Chúng sẽ sống và kiếm ăn đơn độc một mình. Vì tính cách như vậy và kích cỡ bé nhỏ nên chúng rất dễ bị săn bắt về làm vật nuôi trong gia đình, vườn thú hoặc không tránh khỏi tầm tay của thú săn mồi và thợ săn. Do đó, các cá thể cheo cheo giảm đi và được coi như biến mất vào cuối thế kỷ 20. Nhiều tin đồn vô căn cứ cho rằng cheo cheo ngâm rượu sẽ có công dụng giúp cải thiện sinh lý nam giới, chữa nhiều bệnh nan y, khiến thị trường chợ đen săn lùng cheo cheo Nam Dương. Dẫn đến nạn tuyệt chủng động vật hoang dã. Nó phản ánh một thực trạng rất đau lòng về vấn nạn săn bắt thú hoang dã trái phép tại Việt Nam và cũng giải thích tại sao động vật móng guốc như cheo cheo và sao la lại biến mất gần như tuyệt chủng như vậy!
3. Giải pháp
Qua những hình ảnh thu thập được ở khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, các nhà khoa học tin rằng, đây sẽ là cơ hội để bảo vệ cheo cheo Nam Dương tự nhiên tốt hơn. Tuy nhiên, họ cũng có lo ngại khác, đó là việc có thể cheo cheo Nam Dương sẽ lại tiếp tục trở thành mục tiêu của hoạt động săn bắt trong thời gian tới.
Hiện nay, việc nuôi động vật để bảo tồn và nhân giống chúng là cần thiết do tình trạng suy giảm cá thể nghiêm trọng. Vì vậy mô hình nuôi cheo cheo không những không bị cấm mà còn được khuyến khích. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt trong việc nuôi và nhân giống cheo cheo thì người nuôi cần tuân thủ đầy đủ những kỹ thuật nuôi cheo cheo theo quy định, cố gắng xây dựng mô hình nuôi gắn với môi trường tự nhiên và đừng quên xin phép Kiểm lâm địa phương.
Để bảo tồn loài động vật quý hiếm này, Thạc sĩ Trần Văn Bằng, đòi hỏi sự nỗ lực và tích cực tham gia từ nhiều nguồn, nhiều bộ, ban, ngành liên quan. Trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương là tăng cường kiểm soát, quản lý và chấm dứt tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, của mọi người dân chúng ta và của chính các bạn sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ loài cheo cheo ở Việt Nam, cũng như nhiều loài động thực vật khác của Việt Nam và trên thế giới...