Bên cạnh những linh vật tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc trong phong thủy như hổ, gà trống, rùa,... Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một biểu tượng của vận may khác trong dân gian Việt Nam - con hoẵng. Lí do sâu xa vì sao việc bắt được con hoẵng lại được người dân ưu ái xem như dấu hiệu cho điềm lành là bởi, ở nhiều nơi, người ta cho rằng đây là lộc đỏ (vì loài vật này có màu lông đỏ) của xóm làng, báo hiệu năm mới làm ăn giàu có. Hôm nay, hãy cùng XA-nh tìm hiểu về linh vật này nhé!
HOẴNG NAM BỘ
1. Tổng quan
Hoẵng Nam bộ có tên khoa học là Muntiacus muntjak annamensis, là một phân loài của loài Mang đỏ (Muntiacus muntjak) phân bố tại Việt Nam ở các khu vực miền Đông Nam Việt và một số khu vực ở tỉnh Lâm Đồng. Chúng có khá nhiều tên gọi khác nhau tùy vào từng vùng miền địa phương khác nhau như mang, hoẵng, kỉ (tại miền Bắc); mển, mễn (ở miền Nam) hay con cả lẹp, con đỏ, con quảy, con quảy chà (là những con hoẵng có sừng dài).
Hoẵng nam bộ thuộc họ hươu nai. Vẻ bề ngoài của chúng có sự tương đồng khá lớn đối với các loài hươu nai chúng ta thường thấy. Tuy nhiên, khác với thân hình có phần “đồ sộ” như các loài hươu nai khác, hoẵng Nam bộ có thân hình khá nhỏ, có lẽ chỉ tương đương với một con chó lớn mà thôi. Và bởi vì sở hữu kích thước như thế, chúng cũng chính là loài hươu nhỏ nhất trên thế giới.
Cơ thể hoẵng Nam bộ phủ màu đỏ nâu phần dưới đuôi màu trắng. Chúng có bộ lông màu vàng sẫm, có con lông màu vàng nâu bụng trắng giống như các phân loài hoẵng khác; chỉ khác các phân loài hoẵng vó đen và hoẵng vó vàng là bốn chân màu vàng, giữa hai móng guốc có vệt trắng rõ rệt cùng với cái đuôi ngắn cũn. Lông hoẵng vàng sậm mướt trên lưng, trắng dưới bụng và sau mông. Con đực có sừng thẳng, nanh dài và dễ nhìn. Con cái không có sừng (nhưng có lông giống như sừng ở trên đỉnh đầu) và nanh của nó nhỏ và gần như nằm trọng trong môi dưới. Hoãng nam bộ còn có một “biệt danh” khác là “hươu sủa”. Biệt danh đáng yêu này bắt nguồn từ âm thanh báo động khi nó thấy kẻ săn mồi hoặc nhận thức được mối nguy hiểm. Tiếng kêu của nó khá giống với tiếng sủa của những con chó nhỏ mà có lẽ ai cũng từng nghe qua rồi.
Hoẵng Nam bộ sinh sản khá ít, mỗi năm chỉ đẻ 1 lứa, mỗi lứa thường chỉ có một con non. Mọi người có thể bắt gặp chúng ở những cánh rừng thưa, rừng quanh nương rẫy, đồi cây, trảng cỏ cây bụi. Chúng ưa những chỗ quang đãng thoáng mát, khô ráo ven rừng và thường di chuyển liên tục, không hề có một “ngôi nhà” cố định. Loài này thường hay hoạt động ban đêm từ chập tối đến gần sáng. Đặc biệt, Hoẵng Nam bộ có “tính cách” khá giống những người hướng nội - chúng thích ở và thường sống một mình. Hoàn toàn khác các loài hươu nai khác thường sống theo bầy đàn.
Bên cạnh đó, giống với các loài khác thuộc họ hươu nai, hoẵng Nam bộ có một tốc độ đáng kinh ngạc so với thân hình nhỏ bé của chúng. Bốn chân với khả năng chạy xa cực nhanh chính là một trong những món “vũ khí” của chúng khi phải đối đầu với thú săn mồi và những người thợ săn khác.
2. Thực trạng
Hoẵng Nam bộ đôi khi sống chung với các phân loài hoẵng khác, “trà trộn” vào bầy của chúng nên khá khó để thống kê được chính xác số lượng của chúng. Cũng chính vì việc này mà suốt một thời gian dài cho đến nay, thịt hoẵng được coi như một thứ đặc sản thịt rừng và được bày bán ở các quán nhậu, bất chấp các quy định về bảo vệ động thực vật của Nhà nước. Chúng có thể thuần dưỡng chăn nuôi trong các vườn thú, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các khu du lịch sinh thái. Số lượng Hoẵng Nam bộ ở Sa Thầy, Cát Tiên và các vùng khác không nhiều, còn thường xuyên gặp “xui xẻo” bị bẫy bắt và săn bắn cùng với các phân loài hoẵng khác. Đặc biệt, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, nhu cầu về một thứ “đặc sản” giữ chân và khơi gợi hứng thú của du khách khiến hoẵng Nam bộ trở thành một món hàng phiên bản số lượng có hạn, kéo theo đấy là số lượng cá thể vốn đã chẳng có bao nhiêu, sức sinh sản cũng chẳng nhiều nên số lượng cá thể của loài này cứ giảm dần mà chẳng có dấu hiệu khởi sắc. Cuối cùng, việc gặp gỡ giữa các “đồng bào” cùng loài của chúng ngày càng trở nên khó càng thêm khó và dường như chẳng có một chút hi vọng nào cả.
3. Giải pháp
Hoẵng Nam bộ hiện nay đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, xếp hạng VU (sẽ bị đe dọa). Phân loài Hoãng Nam bộ thường sống chung với các phân loài hoẵng khác, do đó chưa có văn bản nào cấm săn bắn bẫy bắt và buôn bán. Chính vì thế, Nhà nước chỉ có thể yêu cầu cần phải cấm săn bắt hoẵng ở vùng Sa Thầy, vùng Lang Bian để bảo tồn nguồn gen và nuôi bán tự nhiên trong các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên.
Đây là một trong những loài vật đáng yêu và khá thân thiện với loài người. Chính vì thế, XA-nh mong các bạn có thể cùng chung tay bảo về loài động vật này và hãy cùng chúng mình tham gia thật nhiều dự án tình nguyện để thay đổi và giúp đỡ các loài động vật xung quanh, cùng tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn nhé!
Cùng XA-nh, change in your ability!