CÒ QUẮM CÁNH XANH
Các bạn trẻ Việt Nam chắc hẳn không còn xa lạ khi nhắc đến cò bởi con cò là hình ảnh đã xuất hiện từ lâu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Vì xuất hiện đã lâu nên có lẽ chúng ta luôn nghĩ loài chim họ Hạc này sẽ “bất tử”, ấy vậy mà Cò quắm cánh xanh họ Threskiornithidae vẫn xuất hiện trong sách đỏ bậc VU.
1. Tổng quan
Cò quắm cánh xanh hoặc cò quắm vai trắng là một loài chim trong họ Threskiornithidae với tên khoa học là Pseudibis davisoni. Loài này xuất hiện ở một vài nơi thuộc đồng bằng Nam Bộ.
Chúng sống gần các ao, hồ, đầm lầy và các dòng sông có nước chảy chậm trong các khu rừng đất thấp trống trải cũng như sống trong các vùng đồng cỏ ẩm hoặc không, rừng cây thưa và các con sông rộng có cát dãi cát và sạn.
Chiều dài thân khoảng 75 - 85 cm. Chim trưởng thành nhìn chung toàn thân có màu tối. Đầu đen trụi lông, có vòng lông trắng sau gáy, cánh xanh có vệt trắng trước cánh và nằm ở phía trong, nhìn rõ hơn từ phía trên khi bay. Chân đỏ, mỏ dài và cong xuống dưới.
2. Thực trạng
Cò quăm cánh xanh có nguồn gen quý nhưng bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng, rất hiếm, hiện đang bị đe doạ tuyệt chủng trong nước, khu vực và thế giới, cần được bảo vệ. Loài chim này đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam bậc VU.
Tuy nhiên vào năm 1991, 1992 đã tìm thấy lại 3 cá thể ở Vườn quốc gia Cát Tiên và 2 cá thể tại vùng đất ngập nước Hòn Chông năm 1999, đây là khu vực đất ngập nước nằm ngoài hệ thống khu bảo vệ của Việt Nam, hiện đang bị tác động mạnh mẽ của dự án đào kênh xả lũ ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại Vườn quốc gia Cát Tiên, chúng đậu trên một vài gốc cây gỗ lớn trơ trụi, còn lại bên bờ suối. Còn tại Hòn Chông, loài cò quắm cánh xanh kiếm ăn trên khu đồng cỏ ngập nước theo mùa, đất ruộng lúa sau thu hoạch có nước bề mặt.
Nhìn chung, vùng làm tổ, kiếm ăn của chúng bị quấy nhiễu, bị thu hẹp, chia cắt và suy giảm do nhiều hoạt động khác nhau của con người và sự khô hạn của thời tiết, đó là nguyên nhân đe doạ chủ yếu đến quần thể. Ngoài ra, có thể trong nhiều năm về trước chúng đã bị săn bắt nhiều. Thậm chí, cò quắm cánh xanh còn được Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp ở mức cực kỳ nguy cấp (CE).
3. Giải pháp
Để bảo vệ Cò quắm cánh xanh, Việt Nam đã đưa loài chim này vào Sách đỏ Việt Nam (1992, 2000), bậc VU. Theo Nghị định 48/NĐ-CP ngày 22/04/2002 của Chính phủ về nghiêm cấm săn bắt và buôn bán Quắm cánh xanh (Nhóm IB).
Ngoài Vườn quốc gia Cát Tiên ở Đồng Nai, cần điều tra nghiên cứu để phát hiện và xây dựng thêm các khu bảo vệ, như đề xuất thành lập khu bảo vệ vùng đồng cỏ Hòn Chông ở Kiên Giang, hoàn thiện việc xây dựng chiến lược quản lý và bảo tồn hệ thống khu bảo tồn đất ngập nước trong toàn quốc. Nâng cao năng lực quản lý bảo vệ đa dạng sinh học và giáo dục cộng đồng về bảo tồn, hạn chế săn bắt các loài chim nước.