RÙA HOÀN KIẾM
Ở giữa lòng thủ đô Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm, có một hồ nước lớn; mà theo dân gian, vì có liên quan đến sự kiện nhà vua đi thuyền trên hồ rồi đánh rơi thanh gươm quý, mà được mang cái tên là hồ Gươm.
Trong lòng hồ, có một loài rùa nước ngọt cực lớn sinh sống, mà chỉ một, hai nơi trên thế giới mới có. Nhưng hiện nay, rùa Hoàn Kiếm là một trong những loài rùa của Việt Nam nằm trong danh sách loài cực kỳ nguy cấp, theo Sách đỏ thế giới.
1. Tổng quan
Rùa Hoàn Kiếm (rùa Hồ Gươm) là những cá thể thuộc loài rùa mai mềm khổng lồ Rafetus swinhoei (Rùa mai mềm Thượng Hải) đặc biệt quý hiếm. Đây là một trong 5 loài rùa mai mềm của Việt Nam, với đặc điểm như mũi ngắn, không có nếp gấp tạo thành đáp sần ở phía cổ như ba ba gai hay nốt sần dọc rùa phía trước của mai như ba ba Nam Bộ. Loài này sống trong hệ thống sông lớn ở miền Bắc Việt Nam như sông Hồng và phía nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, tên khoa học hiện nay của rùa Hoàn Kiếm vẫn chưa thể khẳng định 100%, vì theo một số nhà khoa học trong nước, đây là loài hoàn toàn mới Rafetus leloii (Rùa Lê Lợi), rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ.
2. Thực trạng
Năm 2011, Quỹ bảo tồn rùa (TCF) xếp rùa Hoàn Kiếm là một trong 25 loài rùa bị đe dọa cao nhất thế giới. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN xếp loài này vào mức cực kỳ nguy cấp (CR) năm 2010. Còn theo GLA, rùa Hoàn Kiếm được xếp vào danh mục E5 (Tuyệt chủng trong tự nhiên). Nguyên nhân suy giảm là mất môi trường sống, bị săn bắt và buôn bán.
Năm 2023, trên thế giới chỉ còn sót lại 3 cá thể được biết đến (1 ở Trung Quốc và 2 ở Việt Nam). Ở các hồ ngoài hồ Gươm, đã tìm ra các cá thể cùng loài với rùa Hồ Gươm. Vào năm 2020, một cá thể trong đó đã được xác định là cá thể cái ở hồ Đồng Mô, nhưng cá thể này đã chết vào ngày 24/4/2023.
Theo lời của phó giáo sư Hà Đình Đức vào năm 2011, rùa khổng lồ sống ở hồ Gươm từng có 4 cá thể, đến nay tất cả đều đã chết.
-
Một cá thể chết ngày 02/07/1967, xác được lưu giữ trong đền Ngọc Sơn
-
Một cá thể có xác được lưu trong chùa Hưng Ký (Hoàng Mai, Hà Nội), hiện chuyển về Bảo tàng Hà Nội
-
Một cá thể bị giết thịt năm 1962-1963, khi bò lên vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ) sau một cơn mưa lớn
-
Cá thể duy nhất trong lòng hồ Gươm; ngày 19/01/2016, cá thể rùa Hồ Gươm cuối cùng đã chết.
Điều đáng tiếc nhất là hiện nay trong hồ Gươm đã không còn cá thể rùa vàng cùng loại với “cụ rùa” đã chết từ năm 2016; tất cả rùa trong hồ hiện giờ đều là các loài khác được người dân sau này thả xuống dưới hồ.
3. Giải pháp
Rùa Hồ Gươm được xem như là báu vật của Hà Nội, bởi hình ảnh rùa vàng trong hồ như là minh chứng cho truyền thuyết trả gươm từ 700 năm trước của vua Lê Lợi.
Loài rùa Hoàn Kiếm hiện đang được bảo vệ bởi pháp luật theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP (sửa đổi và bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP) và được liệt kê trong Phụ lục IB Nghị định 06/2019/NĐ-CP. So với trước đây, luật pháp bảo vệ loài đã được cải thiện rất nhiều. Đây là một dấu hiệu tích cực, nhưng chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ tương lai của loài rùa nguy cấp nhất thế giới.
Ngoài ra, chúng ta cần phát triển sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc trong công tác nhân giống; Chính phủ cần khẩn cấp xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn loài rùa Hoàn Kiếm.
Rùa Hoàn Kiếm từ lâu gắn bó với đời sống văn hóa, tâm linh của người Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chúng; vì vậy, việc bảo tồn cá thể rùa Hoàn Kiếm là trách nhiệm chung không chỉ của các nhà khoa học mà còn của cả người dân trước nguy cơ tuyệt chủng. Cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là người dân địa phương về tầm quan trọng của loài rùa này, với mục tiêu từng bước hồi phục, cải thiện và tăng số lượng rùa Hoàn Kiếm.