DỰ ÁN VFBC
Bảo tồn và tái hoang dã một số loài động vật hoang dã trọng điểm ở Việt Nam
1. Nhận thức
Tái hoang dã là quá trình khôi phục một hệ sinh thái tự nhiên sau khi chịu sự xáo trộn mạnh mẽ từ con người. Quá trình này bao gồm việc phục hồi các quy trình tự nhiên và toàn bộ hoặc gần như toàn bộ chuỗi thức ăn ở tất cả các cấp độ dinh dưỡng để tạo ra một hệ sinh thái tự duy trì và có tính bền vững cao, sử dụng quần thể sinh vật có thể đã hiện hữu nếu không có sự xáo trộn của con người.
Tái hoang dã nhằm mục tiêu xây dựng lại các hệ sinh thái hoạt động, phục hồi các dịch vụ hệ sinh thái, thu giữ cacbon, an ninh lương thực và nguồn nước, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học.
Việc tái hoang dã trong những năm gần đây được xác định là một cách tiếp cận bao gồm các hoạt động phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, tái thả các loài bản địa và thúc đẩy các quá trình hệ sinh thái. Từ đó giúp khôi phục đa dạng sinh học, cải thiện các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái, và đồng thời tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái đối với các tác nhân gây căng thẳng môi trường và biến đổi khí hậu.
2. Thực trạng
Chính phủ Việt Nam những năm gần đây đã có những quan tâm nhất định đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua những văn bản pháp lý cụ thể như: Chương trình quốc gia về bảo tồn giai đoạn 2014 - 2022; Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2010 để bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025; Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030.
Việt Nam đến hiện tại đã và đang có những chương trình/ kế hoạch bảo tồn riêng lẻ cho 32 loài có kế hoạch bảo tồn do trung ương và địa phương ban hành gồm linh trưởng có 19 loài, vạc hoa, hổ, voi, trĩ sao, rùa có 10 loài và gà lôi lam mào trắng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp phải một số khó khăn như thiếu các kế hoạch bảo tồn loài từ đó làm cho nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm bị bỏ quên trong công tác điều tra, nghiên cứu, bảo vệ dẫn đến nguy cơ bị tuyệt chủng cao hơn như các loài trong lớp chim, các loài thú móng guốc và thú ăn thịt; năng lực còn hạn chế; thiếu kinh phí hoặc kinh phí thấp.
3. Đóng góp của Dự án VFBC
Từ những thực trạng cũng như nhận thức tầm quan trọng về vấn đề bảo tồn và tái hoang dã động vật, tại Hà Nội từ ngày 13 đến 17 tháng 3 năm 2023 Dự án VFBC đã phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Tổ chức WWF - Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo tồn loài”. Các chuyên gia hàng đầu đến từ các tổ chức quốc tế như Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Re:wild, Trường Đại học QGHN, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ tài nguyên và Môi trường đã tập trung thảo luận về việc xây dựng kế hoạch bảo tồn, giới thiệu, chia sẻ các khái niệm và bài học kinh nghiệm trong công tác tái thả, chuyển dời và tái hoang dã cũng như kế hoạch đối với một số loài động vật trọng điểm.
Quỹ bảo tồn của VFBC dành ngân sách 1 triệu USD để hiện thực hóa công tác bảo tồn thông qua các tổ chức bảo tồn trong nước, mỗi Dự án bảo tồn loài được tài trợ 50000 USD.
4. Công tác bảo tồn ở Việt Nam trong tương lai
Việt Nam hiện nay chưa có một chương trình mang tính tổng thể được Chính phủ ban hành về công tác bảo tồn động vật hoang dã làm cho các địa phương, chủ rừng gặp khó khăn, lúng túng trong công tác bảo tồn trên địa bàn trực thuộc.
Trong năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Thủ tướng ban hành Kế hoạch bảo tồn tổng thể các loài hoang dã nguy cấp tại Việt Nam giai đoạn 2023-2025. Đây được coi là công cụ pháp lý để tháo gỡ nút thắt ban đầu cho chủ rừng cũng như nhà bảo tồn các loài động vật hoang dã được hiệu quả.